Hoạt động dự án

[Hoạt động dự án][bleft]

Thông tin dự án

[Thông tin dự án][bsummary]

Công nghệ

[Công nghệ][twocolumns]

Chuyển đổi số

[Chuyển đổi số][bsummary]

Tài liệu

[Tài liệu][bleft]

Smart Farm làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng

Sáng ngày 16/9/2022 đoàn công tác thuộc Dự án "Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam" đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng. Tham gia tiếp đoàn có Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Lâm Đồng và một số đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở, về phía đoàn có các chuyên gia Hàn Quốc và đại diện Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa.  


Ông Kim Daesam đại diện cho đoàn chuyên gia Dự án thăm và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng

Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Lâm Đồng báo cáo về tình hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2021, Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả như sau:


Diện tích ứng dụng công nghệ cao năm 2021 đạt 63.108 ha (chiếm 21% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh và tăng 2.880 ha so với 2020), gồm: 25.910,2 ha rau; 2.062,5 ha hoa; 4.934 ha chè; cà phê 22.031 ha; lúa chất lượng cao 4.425 ha; cây ăn quả 3.226 ha; dược liệu 134 ha; nấm 5,2 ha; vườn ươm 381,1 ha).


Mức độ ứng dụng công nghệ cao có tính đa dạng với nhiều kỹ thuật tiên tiến: toàn tỉnh đã có 44.265 ha tưới tiên tiến tiết kiệm nước, trong đó tưới phun mưa (công nghệ Israel, Ý, Đài Loan, …) có 40.061 ha, tưới nhỏ giọt chủ yếu là công nghệ Israel, Ý, Pháp 3.929 ha; tưới phun sương qua hệ thống tự động hoặc bán tự động 210 ha và 65 ha thủy canh hồi lưu. Canh tác rau, hoa trên giá thể đạt trên 400 ha; 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật (trên 490 box cấy) hàng năm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 72,38 triệu cây giống cấy mô các loại; có trên 150 ha nhà kính nhập khẩu với công nghệ hiện đại tích hợp được các công nghệ thông minh trên thế giới có giá trị đầu tư trên 01 triệu USD/ha; khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công. Công nghệ màng lợp nhà kính bằng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao (5-7 năm) giúp đảm bảo an toàn cho người lao động được ứng dụng trên 500 ha nhà kính;…


- Nông nghiệp thông minh có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi, ...; đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT. Ứng dụng công nghệ thông minh giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế; góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh; cụ thể: 


+ Trong sản xuất trồng trọt toàn tỉnh có 376,6 ha ứng dụng công nghệ thông minh (173,8 ha rau; 187,2 ha hoa; 5,5 ha dâu tây và 10 ha chè chất lượng cao); trong đó có 172 ha ứng dụng công nghệ Hortimax Hà Lan (Đà Lạt Hasfarm; Công ty CP PAN Hulic); công nghệ cảm biến nhập khẩu từ Đài Loan, Italia để canh tác hoa lan hồ điệp 06 ha; giải pháp TMS của Pháp trong sản xuất 0,18 ha giống hoa các loại; IoT đồng bộ của Israel; ...Bên cạnh đó, có trên 60 trang trại/198,32 ha sử dụng công nghệ IoT của Công ty Mimozatek với chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ: Bộ RATA IoT-3G/4G; cảm biến vi khí hậu; chậu giám sát độ ẩm; lượng nước thoát, EC nước thoát cho giá thể; hạ tầng kỹ thuật tưới (van điện tử, cáp tín hiệu, các cảm biến đo mực nước,...); phần mềm quản lý trang trại thông minh. Hiệu quả ứng dụng công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10-20% lượng thuốc BVTV, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các trang trại.


+ Trong chăn nuôi các doanh nghiệp lớn sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation); sử dụng robot đẩy thức ăn tự động tại các trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk để hạn chế công lao động và đảm bảo thức ăn thường xuyên cho vật nuôi. Hiện nay, người chăn nuôi bò sữa sử dụng trên 95% máy vắt sữa thay cho việc dùng tay vắt sữa thủ công đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa. 


+ Sơ chế và phân loại nông sản: Trung tâm sau thu hoạch làm dịch vụ sơ chế nông sản cho người dân (chủ yếu là rau, quả) tại công ty TNHH SX TM NS Phong Thúy áp dụng nông nghiệp thông minh sử dụng máy rửa và phân loại cà chua dựa trên màu sắc và kích thước của cà chua.


+ Chế biến nông sản: chủ yếu được áp dụng tại khâu phân loại sản phẩm dựa trên màu sắc, các loại nguyên liệu được phân loại như trà, cà phê nhân, hạt điều. Máy tách màu được áp dụng chủ yếu tại các nhà máy có công suất lớn về chế biến trà, cà phê nhân xuất khẩu, trong đó chè có 4 cơ sở, 13 cơ sở cà phê nhân, 1 cơ sở chế biến điều. Việc áp dụng nông nghiệp thông minh trong sơ chế, chế biến đã giúp tăng hiệu suất và đồng thời giảm chi phí thuê nhân công, chất lượng nông sản tốt hơn so với phân loại thủ công.


+ Truy xuất nguồn gốc điện tử: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 98 đơn vị đã áp dụng công nghệ tem truy suất điện tử (mã QR code), gồm 35 HTX, 23 doanh nghiệp, 04 THT, 36 cơ sở, hộ kinh doanh. Về sản phẩm nông sản sử dụng tem truy suất chủ yếu là trên sản phẩm rau các loại (56 cơ sở); chè (03 cơ sở); trái cây (18 cơ sở); lúa (02 cơ sở); dược liệu (04 cơ sở), macca (02 cơ sở); cà phê (10 cơ sở), yến sào (01 cơ sở), mật ong (02 cơ sở). Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp so với khi chưa sử dụng tem (tăng 15-20% sản lượng nông sản được tiêu thụ), từng bước giúp thay đổi nhận thức, tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết tập trung; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong nuôi trồng và sản xuất sản phẩm tạo ra phải đảm bảo an toàn; giải quyết được tình trạng làm giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng.


Hiệu quả của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã góp phần đưa doanh thu bình quân sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích toàn tỉnh năm 2021 đạt bình quân 201 triệu đồng/ha, trong đó doanh thu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân 430 triệu đồng/ha, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Đối với giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 02 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3-8 tỷ đồng/ha/năm.


Cũng trong ngày, đoàn chuyên gia dự án Smart Farm cũng có chuyến thăm và làm việc tại trang trại WinEco. Đây là một doanh nghiệp sản xuất rau ở quy mô lớn, cung cấp nhiều nông sản sạch cho thị trường tiêu dùng thông qua chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart và Winmart+.


Smart Farm