Hoạt động dự án

[Hoạt động dự án][bleft]

Thông tin dự án

[Thông tin dự án][bsummary]

Công nghệ

[Công nghệ][twocolumns]

Chuyển đổi số

[Chuyển đổi số][bsummary]

Tài liệu

[Tài liệu][bleft]

Thăm và làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội

Ngày 13/9/2022, đoàn chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc thuộc dự án "Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam" đã có chuyến thăm và làm việc tại Trạm thực nghiệm Cây trồng Thường Tín, một cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội.


Với diện tích mặt bằng 4 ha, Trạm thực nghiệm Cây trồng Thường Tín sử dụng phần lớn quỹ đất cho canh tác các giống lúa thực nghiệm theo quy trình cải tiến. Trạm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà kho, xưởng chế biến nông sản sau thu hoạch (sấy, chế biến) theo quy trình hiện đại, công nghệ cao.


Khu vực lưu các giống bưởi của Trạm thực nghiệm


Các giống cây có giá trị kinh tế cao như bưởi, chuối cũng được thử nghiệm, lai tạo và nhân giống, sau đó chuyển đến nhiều trang trại trong nước để sản xuất hàng loạt. Đến nay, nhiều nông sản như chuối, bưởi đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.


Bà Vũ Thanh Quỳnh, phó chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội


Tại đây, các chuyên gia của Dự án đã có những tìm hiểu và trao đổi về tình hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố, đồng thời, nắm bắt được định hướng phát triển trong những năm tiếp theo, hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến và mang lại giá trị kinh tế cao. Đoàn đã nghe báo cáo của bà Vũ Thanh Quỳnh, phó chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, về những thành tích đạt được trong tiến trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố. Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuât nông nghiệp và tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… 


Sản lượng sản phẩm từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất năm 2020: Rau: 41.318 tấn (chiếm 5,8% sản lượng rau toàn Thành phố);  Hoa: 351,9 triệu cành hoa, 0,7 triệu chậu hoa và 1,2 triệu cây giống hoa; Quả: 20.859,48 tấn chiếm 7,56% sản lượng quả của Thành phố; Chè: 540 tấn/năm, chiếm 2,82% sản lượng chè Thành phố; Các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm; nhiều chuỗi sản xuất - sơ chế - tiêu thụ áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tính đến hết năm 2020, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. 


Các doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, sản xuất giống lúa; có 09 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản (Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội, ...).


Các HTX đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại cơ sở, số HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là 95 HTX trồng trọt, 03 HTX chăn nuôi và 24 HTX thủy sản, chiếm 76,25% số cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. 


Công nghệ được lựa chọn ứng dụng chủ yếu là các công nghệ, thiết bị thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng, giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản, như: ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ không sử dụng đất, công nghệ Blockchain, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, công nghệ hàng không trong phòng trừ dịch bệnh trên lúa...trong lĩnh vực trồng trọt; Sử dụng công nghệ chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động; công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính; xử lý môi trường bằng các công nghệ tiên tiến (CDM, biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học…) trong chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ nuôi sông trong ao, sử dụng chế phẩm sinh học và hệ thống tạo oxy tự động trong nuôi thủy sản, công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản…. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống.


Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong sản xuât nông nghiệp của Thành phố. Trong đó có 01 doanh nghiệp là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định số 5319/QĐ-BNN-BKHCN ngày 20/12/2017) trong lĩnh vực sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu với quy mô diện tích là 0,33 ha. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao điển hình khác như: Mô hình sản xuất giống và hoa Lan Hồ điệp của Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng; Mô hình thực hiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ sử dụng hệ thống máy nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất lúa tại xã Vĩnh Quỳnh, xã Đại Áng, xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì; Công ty Cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng, huyện Đông Anh; Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội...


Các chuyên gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội


Nhìn chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn Thành phố tuy quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp điều kiện hiện nay của Thành phố. Đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa Sở  Nông nghiệp Thành Phố và các đối tác nước ngoài như châu Âu, Hàn Quốc để giúp nền nông nghiệp Thành phố sớm đạt mục tiêu hiện đại hóa như mục tiêu đề ra.


Smart Farm